MUA BÁN NGƯỜI
Trong những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ, quy mô. Đây là loại tội xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, quyền tự do, quyền con người và được pháp luật chế tài với các quy định rất nghiêm khắc. Tội phạm mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trung bình mỗi năm, các lực lượng chức năng phát hiện khoảng 400 vụ mua bán người, số nạn nhân lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn. Trong đó, số vụ án mua bán người ra nước ngoài chiếm khoảng 80%
Đối tượng thực hiện hành vi mua bán người
Là những người (cả nam và nữ) không có công việc ổn định, đã từng sinh sống, lao động ở Trung Quốc. Đối tượng đã từng có tiền án, tiền sự về các tội mua bán người, lừa đảo, các tệ nạn mại dâm, cờ bạc...
Đối tượng phạm tội mua bán người không chỉ là người xa lạ, mà còn có thể bạn bè hoặc người quen, thậm chí cả người thân.
Nạn nhân của các vụ án mua bán người
- Nạn nhân rất đa dạng, nhưng chủ yếu là phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin.
- Nạn nhân là học sinh, sinh viên trong các trường dạy nghề.
- Nạn nhân là những thanh niên trong độ tuổi lao động (kể cả nam giới) không có việc làm ổn định, thu nhập thấp.
- Một số nạn nhân là những người phụ nữ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, ly hôn, chồng nghiện ma túy, nghiện rượu...
- Nạn nhân là những phụ nữ, trẻ em ham chơi đua đòi, thích mua sắm, đi chơi du lịch...
- Nạn nhân là những thiếu nữ mới lớn, trong độ tuổi yêu đương, xây dựng gia đình bị các đối tượng lừa gạt, giả vờ yêu đương, lấy làm vợ.
Hậu quả tác hại của các vụ mua bán người
* Đối với nạn nhân:
- Tội phạm mua bán người xâm hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, nhiều người trong số họ bị mắc các bệnh truyền nhiễm, bị gia đình, xã hội hắt hủi, kỳ thị.
- Mất cơ hội học hành, công tác, lao động chân chính.
- Bị tước quyền công dân và quyền con người.
- Mặc cảm, bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống, khó hòa nhập cuộc sống.
- Nhiều trường hợp sa vào tệ nạn xã hội.
* Đối với gia đình của các nạn nhân:
- Tâm trạng lo lắng, hoang mang, chồng mất vợ, con cái thiếu mẹ chăm sóc, cha mẹ, người thân mất con, cháu, chị em… ảnh hưởng lâu dài đến thế hệ con cái của họ.
- Tốn kém tiền bạc, thời gian và sức lực để tìm kiếm người thân.
* Đối với xã hội:
- Ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, gây dư luận bức xúc trong quần chúng nhân dân; ảnh hưởng lâu dài đến an ninh quốc phòng và TTATXH.
- Làm thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.
Thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người
- Đối tượng hoạt động phạm tội mua bán người thường có sự câu kết giữa các đối tượng ở các tỉnh phía Bắc có cửa khẩu, có đường biên giới với Trung Quốc và đối tượng là người Trung Quốc hoặc là người Việt Nam đang sống ở Trung Quốc về câu kết với người ở địa phương, trong đó có không ít các đối tượng trước đây đã từng là nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc nay trở về Việt Nam dụ dỗ, lừa các nạn nhân đưa đi bán; một số trường hợp nạn nhân còn bị bắt buộc, khống chế về nước lừa các nạn nhân khác sang thay thế và được các đối tượng (chủ chứa bên Trung Quốc) trả tiền mà họ đang nợ nạn nhân trong thời gian làm việc cho họ, đồng thời khuyến khích nạn nhân tìm kiếm các nạn nhân khác đưa sang bán với mức trả tiền cao, cuối cùng trở thành một "mắt xích" trong các đường dây mua bán người.
- Các đối tượng phạm tội mua bán người gồm cả nam và nữ giới; các nạn nhân bị mua bán tại địa bàn Sơn La thuộc nhiều thành phần dân tộc, nhưng chủ yếu là phụ nữ dân tộc Thái và Mông ở lứa tuổi từ 15 đến 30 tuổi, sau khi bị mua bán các nạn nhân bị đưa vào các chủ chứa để bán dâm hoặc ép làm vợ người Trung Quốc.
- Bọn chúng thường đi đến các bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tìm những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ văn hóa thấp, sự nhận thức và hiểu biết xã hội hạn chế, không có việc làm ổn định, kể cả người thân, họ hàng để dụ dỗ, lừa đưa đi bán. Các đối tượng thường dùng thủ đoạn tạo lòng tin rồi rủ đi làm thuê như bán hàng hoặc hứa hẹn tìm việc làm ở thành phố, các tỉnh biên giới như Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng có thu nhập cao, sau đó đưa nạn nhân vượt biên giới theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc bán.
- Ngoài những nạn nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hiểu biết hạn chế, không có việc làm ổn định, thời gian qua một số nạn nhân bị mua bán còn là những người có học thức, có trình độ hiểu biết như học sinh, sinh viên, do ham chơi đua đòi đã bị các đối tượng dùng thủ đoạn kết bạn qua mạng Internet và các trang mạng xã hội như facebook, Zalo…để làm quen rồi xin số điện thoại liên lạc với nhau. Các đối tượng thường dùng tên và địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương hứa hẹn lấy làm vợ. Khi tạo được lòng tin, chúng lấy lý do rủ nạn nhân đi du lịch, thăm quan mua sắm tại các tỉnh, thành phố có cửa khẩu, đường biên giới với Trung Quốc hoặc lý do về ra mắt nhà chồng chưa cưới… sau đó thực hiện hành vi mua bán người.
Trước khi bị bán, nạn nhân có thể bị các đối tượng khống chế bằng cách bị đẩy vào con đường sa ngã như sử dụng ma túy hoặc bị lệ thuộc vào chúng bằng cách cho nạn nhân vay số tiền lớn.
Ngoài ra, các đối tượng lập các trang mạng trên Facebook, Zalo để tìm kiếm người mang thai, sinh con ngoài ý muốn... sau đó dụ dỗ đưa họ sang nước ngoài sinh con để bán; hoặc cũng bằng thủ đoạn trên để tìm kiếm những người bị bệnh phải ghép tạng, môi giới cho những người muốn bán tạng để thực hiện việc mua bán mô, bộ phận cơ thể.
Nạn nhân thường bị bán cho các nhà hàng, quán karaoke để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động hoặc ép bán làm vợ. Một khi nạn nhân đã bị bán, các đối tượng sẽ tìm cách giữ người, không để các đối tượng bỏ trốn. Khi ra nước ngoài, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc;
Cách phòng chống mua bán người
Các em cần tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Đặc biệt, người trẻ tuổi cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Luôn đặt nghi vấn trước những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.
Các em cũng nên cảnh giác, từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình như thế nào. Luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân… để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đặc biệt, luôn ghi nhớ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 khi các em cần giúp đỡ hoặc phát hiện thông tin về trẻ em bị xâm hại, bị mua bán
LỪA ĐẢO QUA MẠNG
Thời gian gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội đang có xu hướng gia tăng và hoạt động tinh vi hơn. Công an các đơn vị địa phương cùng phương tiện truyền thống liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn trở thành nạn nhân, mất tiền hàng trăm nghìn, thậm chí hàng tỉ đồng. Các đối tượng thường đánh vào lòng lam của nạn nhân, khi nạn nhân được hứa hẹn nhận số tiền lớn sẽ bất chấp mà chuyển một khoản tiền cho các đối tượng. Nếu nạn nhân đã bị lừa chuyển tiền một lần, thì các đối tượng sẽ vẫn tiếp tục tạo dựng tình huống để nạn nhân bị lừa chuyển tiền nhiều lần nữa. Đáng chú ý, lợi dụng các chính sách khuyến khích mở tài khoản của các ngân hàng, các đối tượng thường sử dụng các giấy chứng minh nhân dân mua lại từ các cửa hàng cầm đồ để mở tài khoản ngân hàng hoặc khi bị hại báo cho cơ quan công an thì đối tượng đã rút toàn bộ số tiền hoặc chuyển tiền sang nước ngoài, gây ra cản trở trong việc xác minh, điều tra làm rõ các vụ án. Các vụ việc trên thường rất khó để nạn nhân lấy lại được số tiền đã mất do các đối tượng đã nhanh chóng tẩu tán, tiêu thụ tài sản.
Phương thức, thủ đoạn
1. thông qua mạng xã hội, Facebook, Zalo… các đối tượng giới thiệu là người nước ngoài, kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương. Khi đã tạo dựng được lòng tin, các đối tượng nói đã chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm và ngoại tệ có giá trị rất lớn qua đường hàng không về Việt Nam để tặng.
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, tiếp theo, các đối tượng sẽ giả danh nhân viên sân bay, hải quan yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng để làm thủ tục nhận hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
2. Các đối tượng lắp đặt các thiết bị công nghệ cao vào máy ATM (camera quay trộm, bàm phím nhập số giả, khe đút thẻ ATM giả,...), nhằm đánh cắp thông tin thẻ ngân hàng, làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền và chiếm đoạt tài sản.
3. Các đối tượng lợi dụng sự sơ hở của người dân trong quá trình sử dụng thiết bị điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo,...), rồi “hack” và chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội. Sau đó các đối tượng nghiên cứu, tìm hiểu các mối quan hệ của chủ tài khoản với những người khác, rồi nhắn tin cho người thân của chủ tài khoản, đề nghị chuyển một số tiền vào tài khoản ngân hàng của đối tượng.
4. Các đối tượng gọi vào số điện thoại của bị hại, tự xưng là cán bộ công an, điều tra viên, kiểm sát viên,... và cho biết tài khoản ngân hàng của bị hại có liên quan đến một đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy hoặc các vụ án hình sự khác. Thậm chí dọa sẽ bắt tạm giam đối với bị hại, mục đích nhằm gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ. Sau đó các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng với lý do để tiến hành điều tra làm rõ, hoặc yêu cầu bị hại cung cấp mã số thẻ, mã OTP tài khoản ngân hàng. Đồng thời, các đối tượng cũng cấm bị hại không được nói với ai trong gia đình để đảm bảo bí mật điều tra. Phương thức thủ đoạn các đối tượng này rất tinh vi, xảo quyệt: chúng có thể sử dụng các đầu số nước ngoài như “+113”, nhiều đối tượng giả làm nhiều cán bộ khác nhau cùng gọi điện cho một bị hại, sử dụng các tiếng động khác trong cuộc gọi như tiếng còi báo hiệu, tiếng chuyển hướng cuộc gọi, nhằm gây dựng lòng tin cho bị hại. Khi bị hại chuyển tiền xong thì không thể liên lạc được nữa.
Người dân cần chú ý, lực lượng công an không báo giờ gọi điện đề nghị người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng.
5. Đối tượng liên lạc cho người bị hại thông báo trúng thưởng tài sản (xe máy, điện thoại, đồng hồ) hoặc tiền mặt (phiếu quà tặng, phiếu đổ xăng…) có giá trị lớn. Sau đó, yêu cầu bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Việc chuyển khoản, nạp thẻ phải được thực hiện trong vòng từ 60 đến 90 phút, nếu không sẽ không được nhận và giải thưởng cũng sẽ chuyển cho người khác. Bên cạnh đó, trên trang web để hoàn tất thủ tục hồ sơ nhận thưởng thông tin về đơn vị tổ chức được dựng lên chi tiết, bao gồm cả tên tuổi địa chỉ những người đã trúng trước đó, CMND của nhân viên hỗ trợ nhận thưởng khiến người dân mất cảnh giác và chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng.
Cách phòng tránh
Người dân tuyệt đối không chuyển tiền, gửi thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho các đối tượng không rõ danh tính cụ thể. Đối với người thân, bạn bè nhắn tin nhờ chuyển tiền, người dân cần gọi điện video, nhìn rõ mặt của người nhắn tin hoặc hỏi các câu hỏi riêng tư chỉ có hai người biết để xác thực.
Gần đây, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia vừa cho ra mắt tính năng tra cứu tài khoản trên hệ thống Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn/tra-cuu-tai-khoan). Khi nghi ngờ về việc bị lừa đảo, người dùng chỉ cần gõ vào số tài khoản ngân hàng muốn tra cứu, hệ thống sẽ trả về thông tin nếu tài khoản đó nằm trong danh sách lừa đảo theo thống kê của NCSC. Trong trường hợp không tìm thấy kết quả, người dùng có thể báo cáo tài khoản nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo để NCSC kiểm duyệt, bổ sung vào danh sách tài khoản lừa đảo.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số tội như:
+ Tội giết người
+ Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
+ Tội hiếp dâm
+ Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
+ Tội cưỡng dâm
+ Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
+ Tội cướp tài sản
+ Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
+ Tội cưỡng đoạt tài sản
+ Tội cướp giật tài sản
+ Tội trộm cắp tài sản
+ Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
+ Tội sản xuất trái phép chất ma túy
+ Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
+ Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
+ Tội mua bán trái phép chất ma túy
+ Tội chiếm đoạt chất ma túy
+ Tội tổ chức đua xe trái phép
+ Tội đua xe trái phép
Và một số tội khác
BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
“Bạo lực học đường” đang là một vấn nạn xã hội trong môi trường học đường mà ở mọi quốc gia trên thế giới đang đặt nhiều sự quan tâm và đang lên án bởi những hậu quả nghiêm trọng và đau xót mà nó mang lại, nó tác động ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như tinh thần và nặng hơn là tính mạng của trẻ đang trong độ tuổi hoàn thiện bản thân.
Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học mà đối tượng gánh chịu chủ yếu là các học sinh và sinh viên.
Một số hành vi bạo lực học đường phổ biến bao gồm:
– Hình vi đánh nhau giữa học sinh với học sinh với nhau, mang vũ khí đến trường hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường;
– Bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói;
– Bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục mà đối tượng gánh chịu là học sinh, sinh viên;
– Cách hình vi khác.
Quy định của pháp luật:
Điều 134 Bộ Luật Hình sự Quy định về tội cố ý gây thương tích, Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến chung thân, tùy vào mức độ.
2. Thực trạng của bạo lực học đường hiện nay tại Việt Nam:
Đáng chú ỳ là những hành vi bạo lực học đường chủ yếu bắt nguồn từ những xô xát rất nhỏ nhặt nhưng lại trở thành nghiêm trọng. Về đối tượng của bạo lực học đường cũng có sự đa dạng và phức tạp, diễn ra tại các cấp bậc từ tiểu học cho đến đại học. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở những đối tượng là nam giới mà còn cả ở nữ giới (Đặc biệt đối với cấp bậc THCS và THPT) . không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh.
3. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường có từ nhiều phía như từ học sinh, nhà trường, gia đình, xã hội
Học sinh chủ yếu là những đối tượng từ 12 – 17 tuổi đang trong quá trình học tập và biến đổi về thể chất, mặt tâm sinh lý; trong giai đoạn này sẽ hình thành nên tính cách của con người. Đây cũng là giai đoạn mà đòi hỏi nhà trường và gia đình có các biện pháp bảo vệ trẻ từ các yếu tố độc hại bên ngoài bởi khi trong giai đoạn này các em sẽ là đối tượng mà các thế lực tiêu cực trong xã hội nhắm đến.
Trong giai đoạn này khi trẻ chịu sự tác động, kích thích từ các nhân tố độc hại và các đối tượng xấu trong xã hội, môi trường xung quanh của trẻ sẽ khiến các em học theo, hình thành lên tâm lý thích bắt nạt bạn bè, dẫn đến nhiều vụ bạo lực học đường tại nhà trường. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường ở Việt Nam. Hầu hết những vụ việc học sinh đánh nhau xảy ra gần đây đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè.
4. Giải pháp phòng tránh tình trạng bạo lực học đường:
Đối với học sinh:
– Để phòng, tránh, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường thì học sinh, sinh viên cần tích cực rèn luyện văn hóa sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo.
– Học sinh cần phải nghiêm chỉnh Chấp hành tốt nội quy của nhà trường và lớp học.
– Học sinh cần tránh xa các nhân tố bạo lực trong môi trường xung quanh.
– Học sinh nên học cách kiềm chế cảm xúc để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng không đáng có.
– Học sinh nên tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính thiện và tính hướng thiện trong con người các em.
TỘI PHẠM XÂM HẠI TRẺ EM
Hiện nay, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn ra phức tạp, tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái với pháp luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện. xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức. Các tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em được quy định trong Bộ luật hình sự. Trong đó, người phạm tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình.
Trẻ em là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ em là nạn nhân trực tiếp mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội
Xâm hại tình dục không chỉ gây ra cho trẻ những vết sẹo trên thân thể, mà trẻ còn phải chịu những vết thương lớn về mặt tinh thần. Tùy thuộc vào mức độ bị lạm dụng tình dục mà trẻ có những biểu hiện từ nhẹ đến trầm trọng. Đối với những trẻ có thần kinh yếu sẽ dễ bị hoảng loạn, bỏ ăn, cơ thể suy nhược, trầm cảm, rối loạn tâm thần, thậm chí là tự tử. Bên cạnh đó, do tình dục không an toàn, hậu quả có thể để lại việc mang thai ngoài ý muốn, lây nhiễm các bệnh lây truyền về tình dục, ảnh hưởng các rối loạn tình dục khi trưởng thành.
Nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là dưới 16 tuổi. Nhiều em còn chưa đến tuổi đi học, thậm chí có em mười mấy tháng tuổi đã trở thành nạn nhân của những kẻ đi xâm hại. Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em cũng có nhiều dạng: Có thủ phạm mới 14-15 tuổi nhưng có kẻ đã ngoài 60, 70, 80 tuổi. Phần lớn những kẻ xâm hại thường dành nhiều thời gian để xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ như cho quà, cho tiền, bao ăn uống… tạo sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình nhằm dụ dỗ, đe doạ để thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ.
Nhiều người thường nghĩ rằng, xâm hại tình dục chỉ xảy ra một cách ngẫu nhiên bởi một người lạ, nhưng theo các nghiên cứu cho thấy đối tượng xâm hại tình dục trẻ em thường gặp nhất là những thành viên trong gia đình hoặc những người quen biết như bạn bè của gia đình, hàng xóm, người trông trẻ, cũng có khi chính là thầy giáo của trẻ - người mà hầu như cha mẹ gửi gắm hoàn toàn sự tôn kính và tin tưởng tuyệt đối… Theo các nhà nghiên cứu thì tỷ lệ trẻ em bị lạm dụng tình dục do người lạ mặt chỉ chiếm khoảng 10%.
Sau khi bị xâm hại, đối tượng thường dùng lời lẽ dụ dỗ, đe dọa, khống chế nạn nhân không được nói cho bất kỳ ai.
Xử lý đối với hành vi xâm hại trẻ em
- Hiếp dâm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.
Đối với tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi: bị phạt tù từ 07 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Lưu ý: Các trường hợp giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi (dù người dưới 13 tuổi đồng thuận hay không đồng thuận quan hệ tình dục) đều là hành vi hiếp dâm trẻ em.
- Cưỡng dâm là hành vi ép buộc người khác lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tĩnh trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác
Đối với tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi: bị phạt tù từ 5 năm đến 20 năm.
- Giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.”
Đối với tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Tức là hành vi quan hệ tình dục xâm nhập có sự đồng thuận): bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.
- Dâm ô là một trong những hành vi của những những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.
Đối với tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm.
Hãy gọi các dịch vụ trợ giúp nếu chứng kiến trẻ bị bạo lực, xâm hại
Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111
Trình báo tới Cơ quan công an các cấp
Ngôi nhà Bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 1900.969.680
Cơ quan LĐ-TBXH các cấp & Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc
Ngay sau khi bị xâm hại, trẻ em ngay lập tức cần nói chuyện ngay với cha mẹ,
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn