HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI CỦA THẦY VÀ TRÒ NHÀ TRƯỜNG PTDTBT TIỂU HỌC SỐ 1 NA TÔNG
Học tập là công việc gắn bó với con người từ bao đời nay. Có thể nói, không một bước phát triển nào của văn minh nhân loại mà không gắn với việc học. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, ý nghĩa, cách thức của việc học tập ở mỗi thời đại, mỗi xã hội cũng có những chỗ khác nhau. Đã xa rồi lối suy nghĩ học tập chỉ dành cho người trẻ tuổi, chỉ cần học lấy bằng cấp, học một cách thụ động… Ngày hôm nay chúng ta tổ chức buổi lễ này là để cùng nhắc nhở nhau tiếp tục gây dựng một phong trào học tập rộng khắp, thường trực và lâu dài, học có phương pháp, học tập cho mọi đối tượng.
Học tập là một quá trình dài, là một cách để con người tiếp cận tri thức, nâng cao trình độ, mở mang trí óc để khám phá những điều hay lẽ phải. Học là việc cần thiết suốt đời bởi tri thức nhân loại là một kho tàng vô cùng phong phú, nó như biển cả mênh mông mà sự hiểu biết của con người lại có hạn. Đâu phải chỉ cần thời gian mà con người có thể hiểu biết được mọi điều trong cuộc sống. Con người ta khi sinh ra, chưa có hiểu biết
Hiếu học, ngày xưa được xem như một truyền thống tốt đẹp của người Việt. Việc học ngày nay không chỉ thể hiện truyền thống hiếu học tốt đẹp đó mà còn được xem như một trong những nhu cầu cơ bản tất yếu của đời sống, là cơ sở quan trọng để mỗi cá nhân phát huy tốt nhất năng lực bản thân, sống hạnh phúc hơn và thăng tiến hơn.
Học tập không phải là việc ngày một, ngày hai mà là việc suốt đời, không chỉ là việc của một hay hai người mà là của tất cả mọi người, không chỉ học ở trường học mà là học ở tất cả mọi nơi. Tại sao lại như vậy?
Thứ nhất, đất nước ta đang hướng đến việc hội nhập với các nước trong khu vực ASEAN, người lao động trong nước đang phải cạnh tranh với lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng cao của khu vực. Xét ở khía cạnh mưu sinh, nếu không liên tục học tập, nâng cao chất lượng lao động về mọi mặt, trong tương lai chúng ta cũng có thể gặp nhiều khó khăn khi muốn khẳng định bản thân và cũng như cạnh tranh với bạn bè trong khu vực được ngay tại quê hương Việt Nam. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các em học sinh cần tích cực chuẩn bị để trở thành những công dân toàn cầu, nhất là học sinh ở một thành phố năng động như........
Thứ hai, gia đình là cái nôi đầu tiên của sự học. Cha mẹ luôn cần đồng hành và hỗ trợ con em mình trong hành trình khám phá tri thức. Muốn thế, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng phải học tập suốt đời để có thể bước đi cùng nhau.
Đối với người thầy, nếu có ý thức học tập suốt đời, biết tự bù đắp và bổ sung tri thức, hơn hết là kỹ năng, thì lợi ích nhận được không phải chỉ cho bản thân mà còn cho học sinh, những điều các em xứng đáng được hưởng, như một quyền lợi.
Cho nên ý thức học tập suốt đời phải được thấm sâu, lan tỏa, trở thành nhu cầu tự thân của từng cá nhân, từng tập thể. Mỗi người luôn cần có những hành động mạnh mẽ để phá vỡ những giới hạn hiện tại của tri thức, tự tạo ra những chân trời tri thức mới và không ngừng trau dồi kỹ năng sống cho bản thân.
Hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học tập suốt đời, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và triển khai những đề án có tính lâu dài, rộng khắp và đầy ý nghĩa. Các trường Trung học phổ thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng có những thay đổi lớn trong công tác bồi dưỡng thường xuyên, xây dựng xã hội học tập, hưởng ứng phong trào "học tập suốt đời".
Sự thay đổi đầu tiên là xây dựng người thầy trở thành hình mẫu trong việc chiếm lĩnh tri thức và hoàn thiện nhân cách. Người thầy thời đại mới là "người thầy đi tới" với những bước đi khám phá chứ không phải "người thầy đứng lại để chiêm nghiệm". Chỉ cần một chút tự thỏa mãn người thầy sẽ tụt hậu so với bối cảnh giáo dục mới, thua kém bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là thua kém học sinh. Trước kia, nhà giáo thường rất ý thức trau dồi chuyên môn nhưng ít chú ý đến những giá trị nền tảng, kỹ năng sống. Học tập suốt đời buộc nhà giáo phải bổ sung những mặt thiếu sót này. Khi đó, người thầy sẽ trở thành một bài học sống động về học tập suốt đời và nhận được ở trò sự tôn trọng, ngưỡng mộ. Như trên đã nói, hành trình của thầy và trò luôn song hành. Những bước đi đầu tiên trên hành trình của trò luôn cần bàn tay của người thầy. Song, người thầy thời đại mới phải hiểu rằng chỉ có một cách giữ các em ở lại lâu nhất trên hành trình học tập chính là việc thầy phải khơi dậy đam mê và nỗ lực hoàn thiện bản thân của trò, xây dựng tinh thần, thái độ học tập tích cực.
Ý thức được điều đó, tập thể giáo viên Gia Định chúng tôi đang nỗ lực xây dựng hình ảnh "người thầy đi tới" trong mắt học sinh. Đó là người thầy sau những giờ lên lớp vẫn xuất hiện đều đặn trong các lớp học sau Đại học, các lớp Nghiên cứu sinh, tham gia các hội thảo chuyên đề cùng các chuyên viên, giảng viên Đại học; cùng làm các đề tài nghiên cứu khoa học với các em học sinh, lặng lẽ truyền cho các em niềm đam mê tri thức của chính mình. Các lớp học Giá trị sống, các buổi tập huấn kỹ năng, các buổi đối thoại để trao đổi kinh nghiệm giữa các thế hệ giáo viên là cách chúng tôi khám phá bản thân mình, đẩy mạnh những giá trị nền tảng, trau dồi những kỹ năng…
Nhiệm vụ của người thầy là giúp các em chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng và phương pháp để các em đủ tự tin và vững vàng tiếp tục học tập khi rời nhà trường. Trong hành trình học tập suốt đời đó, chúng tôi hiểu rằng phương pháp tiếp cận thông minh là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để tiếp thu kiến thức trọn vẹn, nhanh chóng và sâu sắc hơn. Nói về phương pháp tiếp cận, chúng tôi muốn nhấn mạnh ở cả 3 dạng thức trong môi trường giáo dục, đó là phương pháp tiếp cận người học, phương pháp tiếp cận tri thức lẫn phương pháp quản lý giáo dục như đẩy mạnh tư duy phản biện, tôn trọng những giá trị tự thân của tất cả các thành viên trong nhà trường, sáng tạo những phương pháp dạy học thú vị, hướng đến thực chất, tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trong và ngoài nhà trường... Đó chính là cách chúng tôi nhắc nhau không được bằng lòng với phương pháp tiếp cận đã có để rèn giũa kỹ năng thích ứng với sự thay đổi của tiến bộ xã hội.
Không chỉ ở phương pháp tiếp cận, quan niệm về môi trường học tập cũng phải thay đổi theo hướng mở rộng ra. Trường học là nơi học tập tốt nhất nhưng không phải là duy nhất bởi ta còn có thể học trong sách vở, học ngoài xã hội, học hỏi lẫn nhau… Là những người làm công tác quản lý, chúng tôi thấy rất ấm lòng khi nhìn các em miệt mài đọc trong thư viện, nhạy bén trong việc tìm kiếm kiến thức trên mạng internet, chủ động đóng góp sách để xây dựng thư viện mini cho lớp mình. Chúng tôi mong chính các em sẽ gầy dựng lại văn hóa đọc đang ngày bị mai một.
Trong môi trường giáo dục, nhà quản lý - giáo viên - học sinh đều cần ý thức về việc học hỏi lẫn nhau. Triết lý giáo dục mới khẳng định rằng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh là mối quan hệ hai chiều của tác động và phản hồi và giáo viên vẫn có thể học ở học sinh nhiều điều thú vị. Với học sinh, các em không chỉ nhận được sự dạy bảo tận tình của thầy cô mà còn được dìu dắt bởi các anh chị cựu học sinh thành đạt trong cuộc sống. Đó là cơ hội để kinh nghiệm thực tế và những lời khuyên bổ ích được trao truyền. Cựu học sinh Gia Định chính là động lực vô hình nhưng mạnh mẽ để các thế hệ đàn em phấn đấu không ngừng.
Dưới góc độ quản lý, vấn đề then chốt là phải vạch ra lộ trình phù hợp, khơi dậy và duy trì môi trường học tập bền vững. Cho nên, cần học hỏi những sáng kiến kinh nghiệm của đơn vị bạn, xây dựng các mô hình liên kết học tập thiết thực và có sức hút đối với người học. Tại trường Gia Định, chúng tôi đã tổ chức chuyên đề học tập cho cụm chuyên môn ở bộ môn Toán, Sinh học, Địa lý; giao lưu, học hỏi với một số trường trong thành phố và các tỉnh lân cận.
Tất cả những điều nói trên là minh chứng khẳng định môi trường học tập hiện nay đang rất rộng mở. Chúng ta đề ra những việc cần làm là để không ngừng phấn đấu vì mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội và tiếp tục củng cố niềm tin của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục.
Thiết nghĩ, cuộc vận động "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2019" là một lời nhắc nhở cần thiết cho những người làm công tác giáo dục chúng ta, đồng thời là lời kêu gọi đầy ý nghĩa cho mọi tầng lớp Nhân dân, gây dựng một phong trào học tập rộng khắp, thường trực và lâu dài, học tập suốt đời, học tập cho mọi đối tượng. Bởi nhờ học tập suốt đời mà chúng ta sẽ càng có khả năng thích ứng, phát triển và cộng tác trong một thế giới rộng mở như tổ chức UNESCO đã nêu "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".
Mong ước rằng tinh thần học tập suốt đời luôn là điều mà mọi người dân Bình Thạnh đều ý thức và nỗ lực, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mãi giữ vị trí tiên phong trên con đường hiện thực hóa ước mơ và nhờ đó quận Bình Thạnh sẽ ngày càng phát triển, có thêm nhiều sự đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thành phố, của đất nước.
Sau đây là một số hình ảnh hưởng ứng tuần lễ của nhà trường.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn